Vệ sinh cân phòng thí nghiệm và những điều cần biết

Việc đảm bảo vệ sinh có ảnh hưởng lớn đến sự an toàn của người vận hành và nguy cơ nhiễm chéo.

1. Tại sao phải vệ sinh cân trong phòng thí nhiệm ?

Nếu bạn làm việc trong phòng thí nghiệm, thì bạn sẽ biết việc đảm bảo vệ sinh có ảnh hưởng lớn đến sự an toàn của người vận hành và nguy cơ nhiễm chéo. Giữ gìn cân sạch sẽ là việc làm quan trọng. Việc này có thể:

• Giảm thiểu nguy cơ nhiễm chéo.

• Nâng cao sự an toàn cho người dùng.

• Tăng sự tin cậy khi vận hành.

• Giảm tỷ lệ hư hỏng thiết bị.

Những điểm này có thể tránh phát sinh nguồn chi phí đáng kể cho phòng thí nghiệm của bạn, như chi phí thao tác lại, chi phí y tế, hoặc chi phí thay thế và bảo trì thiết bị,... Giữ cân sạch là bước quan trọng đầu tiên để giảm những chi phí này.

Về cơ bản, có thể vệ sinh nhanh chóng các loại cân phân tích, cân kỹ thuật, cân sấy ẩm, cân thủy tĩnh trong phòng thí nghiệm một cách đơn giản với sự hiểu biết và phương pháp phù hợp.

2. Khi nào cần làm vệ sinh cho cân phòng thí nghiệm?

Các phòng thí nghiệm có sự khác nhau về tần suất vệ sinh cân, tùy theo ngành, ứng dụng và tần suất sử dụng. Tuy nhiên, chúng tôi khuyến nghị một quy tắc chung đó là cân nên được vệ sinh ngay sau mỗi lần sử dụng hoặc thay đổi chất được cân.

Mỗi người dùng đều mong đợi người dùng trước đã vệ sinh thiết bị sạch sẽ. Tuy nhiên “ kiểm soát luôn tốt hơn là tin tưởng “. Do đó, trước khi bắt đầu làm việc, hãy kiểm tra thiết bị. Nếu cân có dấu hiệu bị bẩn, hãy làm vệ sinh cho thiết bị ngay trước khi sử dụng.

Khi thao tác cân với các chất có thể gây hại đến sức khỏe, môi trường. Hãy nhớ phải luôn vệ sinh cân ngay sau khi sử dụng. Điều này giúp tránh nhiễm chéo và nguy cơ tiếp xúc cho người tiếp theo khi sử dụng thiết bị.

3. Có nên sử dụng hóa chất tẩy rửa cho cân phòng thí nghiệm ?

Tùy thuộc vào phòng thí nghiệm, có thể tồn tại những nguy cơ và khả năng nhiễm bẩn khác nhau. Trong các phòng thí nghiệm hóa chất và dược phẩm, nguy cơ chính là khả năng tiếp xúc với hóa chất độc hại hoặc hoạt chất, có thể qua đường thở, tiêu hóa hoặc tiếp xúc trực tiếp với da.

Trong các phòng thí nghiệm sinh học, nguy cơ còn bao gồm khả năng tiếp xúc với vi sinh vật có thể dẫn đến nhiễm trùng hoặc bị bệnh. Mức độ tiếp xúc tiềm ẩn với chất ô nhiễm sinh học là một phần để xác định loại chất tẩy rửa được chọn. Ví dụ như phòng thí nghiệm phân tích làm việc chủ yếu với chất tẩy rửa có thể dùng isopropanol 70%, trong khi phòng thí nghiệm sinh học dùng ethanol 70% để giảm nhiễm bẩn.

Ngoài ra, chất tẩy rửa được chọn phải có khả năng loại bỏ nhiễm bẩn hoàn toàn nhưng không làm hư hỏng thiết bị. Người sử dụng nên tham khảo hoàn chỉnh hơn về chất tẩy rửa phù hợp cho phòng thí nghiệm và loại chất ô nhiễm.

Xin nhắc lại, phải luôn vệ sinh cân sau khi cân những chất thử có thể gây hại.

4. Quy trình làm vệ sinh cân tiêu chuẩn

4.1. Bảo vệ bản thân bằng sự chuẩn bị và đọc các hướng dẫn.

a) Mang các thiết bị bảo vệ cá nhân phù hợp (áo choàng, kính bảo vệ và găng tay).

b) Xem các hướng dẫn vận hành về cách tháo và lắp các bộ phận có thể tháo rời của cân.

c) Xem các hướng dẫn vận hành về các phương pháp và chất tẩy rửa được khuyến nghị để vệ sinh các bộ phận của thiết bị.

4.2. Tắt màn hình cân.

Việc rút phích cắm điện được khuyến nghị nhưng không cần thiết. Nếu có thể, để cân ở vị trí vận hành bình thường, không nghiêng về một bên và không rút phích cắm các thiết bị ngoại vi đã kết nối.

4.3. Vệ sinh khu vực xung quanh cân.

Sử dụng khăn giấy để loại bỏ bụi bẩn xung quanh thiết bị để tránh nhiễm bẩn thêm.

4.4. Tháo tất cả các bộ phận có thể tháo rời.

Tùy thuộc vào model cân của bạn:

a) Mở khóa và nhẹ nhàng tháo các tấm cửa bảo vệ;

b) Tháo cửa bảo vệ bên trong;

c) Tháo đĩa cân, nắp đĩa, giá đỡ đĩa, vòng quấn và khay hứng.

4.5. Vệ sinh cân.

Sử dụng miếng vải không xơ thấm chất tẩy rửa nhẹ để lau và loại bỏ vật liệu bị đổ trên bề mặt cân. Đầu tiên loại bỏ bột và bụi, sau đó là chất dính.

a) Để loại bỏ bột hoặc bụi, sử dụng khăn giấy dùng một lần. Đừng bao giờ thổi; vì việc này có thể đẩy bụi vào bên trong cân hoặc ra bên ngoài môi trường phòng thí nghiệm của bạn.

b) Để loại bỏ các chất dính, sử dụng miếng vải ẩm không xơ và dung môi nhẹ (isopropanol hoặc ethanol 70%); tránh các chất ăn mòn.

c) Lau từ giữa cân. Không để bất kỳ chất gì rơi vào các bộ phận bên trong cân và không xịt hoặc đổ chất lỏng lên cân. Việc này có thể dẫn đến hư hỏng cảm biến cân hoặc các bộ phận quan trọng khác của cân.

4.6. Vệ sinh các bộ phận có thể tháo rời.

Sử dụng miếng vải ẩm hoặc khăn giấy và lau với chất tẩy rửa nhẹ có chứa ethanol (ví dụ như nước lau kính), hoặc chỉ cần đặt chúng vào máy rửa chén.

4.7. Lắp lại cân.

Đảm bảo các bộ phận được đặt đúng vị trí, bật nguồn và kiểm tra xem cân có hoạt động

bình thường không. Nếu hoàn toàn tắt nguồn: Đảm bảo đủ thời gian khởi động trước lần sử

dụng đầu tiên (kiểm tra các hướng dẫn vận hành để biết khuyến nghị của nhà sản xuất).

4.8. Đảm bảo cân đã sẵn sàng để sử dụng.

a) Đảm bảo cân được cân bằng (bằng cách chỉnh giọt nước cân bằng);

b) Thực hiện điều chỉnh (bên trong hoặc bên ngoài);

c) Đặt một quả cân kiểm tra trên đĩa cân và thực hiện kiểm tra thông thường để kiểm tra độ chính xác;

d) Kiểm tra các phụ kiện (ví dụ như in thử đối với máy in).

 

Đối tác Cân điện tử PRO

Zalo Sale 1
Zalo Sale 2
Zalo Sale 3